Bà Loan cùng chồng nấu bánh canh cua bán ở quận 6 từ năm 1988, giá một tô lên đến 250.000 - 300.000 đồng.
Quán nằm ở đầu một con hẻm nhỏ trên đường Phạm Văn Chí, quận 6. Bà Nguyễn Thị Loan, chủ quán cho hay, bà bán từ lúc 27 tuổi, nay đã 57.
"Do kinh tế ngày xưa khó khăn, tôi phải bươn chải làm đủ mọi thứ để nuôi con ăn học. Lúc đó tôi bán nhiều món lắm, như bánh mì, hủ tiếu, nem nướng... nhưng dần dần thì chọn bán một món duy nhất là bánh canh để người ta nhớ đến mình", bà Loan kể.
Quán của vợ chồng bà Loan không tên, biển hiệu chỉ nằm gọn trong góc hẻm. "Gian bếp" chỉ vỏn vẹn một chiếc bàn và tủ kính được kê ở phía ngoài để khách đi ngang sẽ nhận ra.
Bà Loan chế biến tô bánh canh theo yêu cầu của thực khách. Ảnh: Di Vỹ.
Mỗi ngày, vợ chồng bà Loan cùng nhau đi chợ và chuẩn bị các khâu từ sơ chế đến nấu nướng, tổng cộng gần 16 tiếng.
Tôi ghé quán vào khoảng 16h kém, bếp chưa bắt lửa, đồ ăn cũng chưa dọn ra để lấp đầy tủ kính, ấy vậy mà đã không còn chiếc ghế nào cho tôi ngồi. Quán hiện chỉ bán duy nhất bánh canh cua kèm chả cá, tôm nguyên con, giò heo và một số nguyên liệu khác ăn kèm.
Điều có lẽ khiến ai ghé đây cũng phải giật mình là giá một tô bánh canh cua lên đến 250.000 đồng, thậm chí 300.000 đồng. Không ít lần, thực khách phàn nàn về mức giá "trên trời" của quán. Có người ăn xong, lúc tính tiền ngỡ mình vừa bước ra từ một nhà hàng.
Kể lại lần đầu tiên đến quán, chị Thanh Thư (quận Tân Bình, TP HCM) đã phải "rùng mình" khi trả 200.000 đồng. "Lần đó tôi có công việc ở gần, thấy quán đông nên tiện thể ghé ăn chiều. Tôi đã cảm thấy lạ khi có nhiều người vào gọi tô cả trăm nghìn đồng. Sau khi ăn xong tôi đã phải ra về trong nuối tiếc", chị Thư nói.
Quán không đề giá, chỉ thực khách quen, sành sỏi sẽ biết gọi món ăn theo sở thích (chủ yếu là đồ ăn kèm nhiều hay ít). "Tôi vốn tò mò nên đến ăn thử lần đầu sau khi được giới thiệu giữa tháng qua. Tôi hơi choáng khi có nhiều khách vào gọi tô 200.000, 300.000 đồng", anh Tùng (quận 7, TP HCM) chia sẻ.
Giải đáp thắc mắc về mức giá món ăn, bà Loan nói: "Khách có thể gọi tô 20.000 - 30.000 - 40.000 đồng chứ không nhất thiết phải ăn tô 300.000 đồng. Tiền nhiều thì sẽ thưởng thức được nhiều đồ ngon hơn".
Thực khách ngồi chờ bếp của bà Loan sáng lửa. Ảnh: Di Vỹ.
Suất bình dân và suất "nhà hàng" khác nhau ở chỗ số lượng của các món ăn kèm. Tô đầy đủ 200.000 đồng sẽ có khoảng 4 đến 5 chiếc càng cua vừa, một giò heo lớn, 2 miếng chả thác lác, 2 con tôm sú, 2 miếng huyết và ăn kèm thêm bánh quẩy.
Giò gân to, mềm và thơm, được xử lý sạch sẽ. Huyết do gia đình tự đánh, không mua ở chợ, mềm và không có bọt khí. Chả làm từ cá thác lác, quết đều tay và nêm nếm đậm đà.
Điều ghi điểm mạnh nhất là nước lèo. Món ăn bưng ra nổi bật với màu gạch cua tự nhiên, có mùi thơm thoang thoảng, nếm vào bạn sẽ cảm nhận được vị béo.
Tuy nhiên, có lẽ phải phục vụ một lượng lớn thực khách mà bánh canh cho vào nồi nước lèo chưa kịp ngấm thì đã múc ra.
"Không phải khách muốn ăn 300.000 đồng là có vì nhiều hôm chúng tôi không lấy được càng loại ngon, to", ông Sỹ (62 tuổi, chồng bà Loan) chia sẻ.
Tôm và càng cua bên trong tô 200.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.
Sau lần đầu tiên "chân ướt chân ráo" đến quán, giờ đây chị Thư là một khách quen của quán. "Chị Loan nấu ăn rất khéo tay. Bây giờ đến quán tôi cũng chỉ gọi tô 50.000 - 60.000 đồng. Hôm nào có tiền thì sẽ gọi tô to hơn để thoả cơn thèm", chị Thư chia sẻ.
Anh Tùng ban đầu cũng nhất quyết không quay lại nhưng bây giờ đã dắt vợ cùng các con đến thưởng thức vào dịp cuối tuần.
"Tuỳ vào túi tiền của mỗi người mà chủ sẽ phục vụ theo, chứ chủ quán đâu có ép phải ăn tô to. Đồ ăn sạch sẽ, hải sản tươi ngon và chất lượng thì xác định giá cao là chuyện bình thường", anh Tùng nhận xét.
Con hẻm nhỏ xíu cứ khoảng 4h chiều là trở nên chật chội nhưng nhộn nhịp và chứa đầy "hơi thở" của một Sài Gòn bình dị. Tôi trở lại lần thứ hai và gọi tô "bốn chục".
Món ăn dọn ra không có chiếc càng cua nào, chỉ có mấy miếng cua trộn trong nước lèo, huyết, tôm và bánh phồng. Dù vậy, hương vị của tô bánh cua vẫn trọn vẹn.