Thật thú vị khi bài viết được bạn Mai Lan chia sẻ trên blog Bình Dị Chấm Com cho các bạn được cùng hồi tưởng về ký ức tuổi thơ hay dành cho những ai chưa từng được biết đi hái nấm mối như thế nào, hành trình ra sao?
Vài dòng cảm nhận và hồi tưởng về mùa Nấm Mối về:
Dù có thâm niên bao nhiêu năm đi nhổ nấm mối đi chăng nữa thì có lẽ không ai không có cảm giác sung sướng tột cùng mỗi khi thấy “các em nấm mối” hồn nhiên, hiền hậu nhú lên khỏi mặt đất. Và với riêng mình, tuy đã trải qua hai mươi bảy mùa “săn” nấm mối, vẫn còn giữ vẹn nguyên trong kí ức của những ngày thơ bé “đi săn”.
Thuở ấy, huyện Châu Đức nơi mình sinh ra vẫn là nơi mới được khai hoang. Rừng cây thiên nhiên vừa được người dân thay thế bằng rẫy điều, mì, bắp….nấm mối nhiều vô kể ,vậy mới có cách ví “nhiều như nấm”!. Cứ tới mùa hè, sau vài cơn mưa rồi vài ngày nắng ẩm, có khi dấu hiệu là cơn mưa bất chợt ào xuống giữa sân nắng, ấy là mùa nấm đang về. Nhà nhà đều có người dậy sớm, cầm thúng, bao, dao cạy…lên đường. Ánh đèn pin cứ phóng khoáng lia khắp gốc cây này, bụi cỏ nọ. Nhiều lúc trời mờ tối, cỏ cây rậm rạp, nấm bị đạp dưới chân nghe răng rắc. Nấm mọc dày dưới gốc cây điều, san sát quanh miệng bồn cà phê rêu phủ, quanh bụi chuối, vạt cây mì, rẫy bắp, cả dưới hàng dâm bụt, mọc cả dọc hè nhà….Chỉ vài giờ đi là trở về với cả thúng đầy những nấm. Có người đi làm rẫy, đi cạo mủ cao su đội về cả nón, cả bao nấm.
Mà cái nơi nấm mọc khiến người ta ngỡ ngàng nhất, dễ “té xỉu” nhất, đó chính là ngay trong gian bếp (!!!) Ngày xưa mà, bếp lò còn chưa đến nơi đây chứ không dám nói đến bếp gas, nhà nào cũng có một gian bếp nhỏ, đơn sơ với nền đất và chiếc kiềng ba chân. Có những người phát hoảng khi vào bếp chuẩn bị nấu nướng: Nấm đội đất bếp mà lên, như dành tặng riêng những người mẹ, người chị không có thời gian đi tìm nấm mà hi sinh hết mình vì gia đình!
Hành trình tìm Nấm Mối và cảm xúc dâng trào:
Ôi! Trong đời người ta có biết bao khoảnh khắc được hòa mình vào hạnh phúc, nhưng với ai đã từng đi tìm nấm thì phút giây phát hiện ra ổ nấm và rồi ùa ngay xuống đất để “thỉnh” nấm về nhà quả là huy hoàng rực rỡ nhất, “vi diệu” nhất, một cảm giác thật “Yomost”! Hình ảnh các “em nấm” hồn nhiên, hiền hậu nhú lên khỏi mặt đất như những nụ hoa hàm tiếu đón chào, hay cả vạt nấm đang thi “cười toe toét” (lúc nở trên 70% rồi) khiến cho bao con tim rạo rực, ngất ngây.
Cũng có khi người ta phải ú tim theo nấm. Bởi loài mối cho ra loại nấm tuyệt hảo này thường làm nhà trong lòng đất phía dưới tán cây, bên cạnh gốc cây, bởi ở đó thường có lá khô làm thực phẩm cho chúng. Những tổ mối nằm khu vực có nhiều lá khô trên mặt đất thường làm khó dân đi săn nấm.
Nhưng khi dưới bước chân phát ra tiếng “rắc” thì thôi rồi: ta ngồi xuống ngay, tự dưng đôi chân cũng nhón lên ngay, dường như sợ làm đau cây nấm vậy, tay bắt đầu vừa nhẹ nhàng lại vừa vội vã nâng đám lá khô mới bị đạp ấy lên, còn đôi mắt thì tập trung cao độ! Cũng có thể tất cả sẽ giãn ra, rồi trở về với trạng thái ban đầu khi một cành củi mục, một chiếc vỏ ốc sên hiện ra như giễu cợt. Nhưng một khi phải đối diện với vài cây nấm mối trong trạng thái bị gãy thân, dập tai thì ôi thôi, tim sẽ đập nhanh hơn, tay sẽ càng cuống quýt vội vàng hơn và đôi mắt sẽ căng thêm nữa…
Nhổ nấm ngay thôi, phải không các bạn? Không hẳn như vậy đâu nhé! Thực tế cho thấy, có rất nhiều người chưa muốn tập trung hoàn toàn để lấy nấm lên ngay đâu, đúng không ạ? Vậy thì căng thẳng như thế làm gì? Bởi nấm mối trong trường hợp này còn ở giai đoạn búp, chưa “lộ nguyên hình”, lại bị lá khô che phủ. Vậy là tay thì đặt xuống cây nấm, muốn dùng dụng cụ để nhổ nấm mà mắt lại tìm kiếm xung quanh. Vì trong lòng còn đang trông đợi…
Xem thêm video hái nấm mối của mình nhé:
Nấm mối thường mọc thành từng nhóm, ngay vị trí vừa bị đạp đó có thể có 3-4 cây, và có khi cứ nhổ lên cây này lại thấy thêm cây khác, lại thêm cây nữa, và rồi thêm rất nhiều ụ nhỏ nữa, ôi đây nữa này, ối ối, thêm nữa,… hahaha…Tiếng răng rắc của nấm búp bị tách ra khỏi đất nghe thật đã tai. Nhìn lại chiến lợi phẩm, trong lòng sung sướng tột cùng!!!
Nhiều món ăn được chế biến từ Nấm Mối ngon tuyệt:
- Nấm mối được chế biến thành rất nhiều món, món nào cũng ngon: Nấm xào, nấm rim, nấm nấu canh…Nhất là ngày Tết Đoan ngọ, nấm mối làm nhân đổ bánh xèo, gói bánh lọc, có nhà thì nấu bánh canh. Thật tình không dám nói ngoa, chứ nấm mối chỉ cần chục cây đã ngon bằng tôm mấy lạng!
- Muốn cầu kì hơn thì chuẩn bị lá chuối tươi, lá lốt, than củi. Nấm làm sạch, ướp gia vị rồi bọc trong lớp lá lốt, ngoài gói thêm lớp lá chuối và đem nướng. Mùi nấm quyện trong hương lá lốt thơm lừng, vị ngọt thanh đạm, tinh khiết mà hấp dẫn làm sao.
- Nhưng có lẽ, không món nào trên đời giản đơn mà ấm dậm bằng canh rau lang nấu nấm mối, giã thêm củ ném nữa thì tuyệt cú mèo, đến nỗi nó đã hằn sâu trong kí ức ẩm thực của không biết bao nhiêu con người. (Rồi cũng sẽ có ngày em phải thống kê những món “dân dã” ấy ra thôi ạ!!!)
Đôi điều về mùa nấm ngày nay:
Thế nhưng, không có gì là vĩnh cửu. Thời “hoàng kim” ấy rồi cũng qua đi. Cây hồ tiêu đến xứ sở mình, thay thế dần cây cà phê, điều, bắp, mì…, mang đến ” hắc kim” làm bao gia đình phất lên thì cũng lấy đi miền đất sinh sống của mối, và nấm mối cạn kiệt dần. Nấm mối giờ chủ yếu mọc ở vài rẫy điều và trong rừng cao su. Rồi đây, khi rừng cao su cũng không còn nữa, giả sử cây điều cũng không ai trồng, đâu đâu cũng thấy tiêu và tiêu thì nấm mối cũng phải đến 2 triệu đồng/kg. Nhưng điều quan trọng hơn, là khối kí ức hoành tráng ấy, có lẽ nào, sẽ mãi mãi chỉ còn là niềm riêng trong trái tim những ai từng có “tuổi thơ dữ dội” ăn, ngủ, sống…cùng nấm mối mà thôi? Tự dưng chợt lo xa chi để chợt buồn…
Là đặc sản mỗi năm chỉ có đôi ba lần nên nấm được săn lùng và mua giá cao. Đây là một trong những địa chỉ thu mua nấm và cung cấp cho thị trường vào mùa nấm, đó là chị Bảy, số điện thoại liên lạc: 0163 2079728, đến mùa nấm các bạn nào muốn ăn nấm có nguồn gốc từ Quảng Thành – Châu Đức – BRVT thì hãy liên hệ (giá khá mềm, nguồn gốc rõ ràng vì chủ yếu nhổ ở rừng cao su).
Mai Lan – CTV blog binhdi.com